"Các nhà xưởng nguy cơ cháy cao, diện tích lên đến 25.000 m2 hay hạng mục nguy cơ cháy nổ vừa phải, thấp, với diện tích không hạn chế cũng không cần bọc bảo vệ kết cấu thép", Bộ trưởng Nghị giải trình tại Quốc hội, chiều 31/5.
Ông khẳng định đa số nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép. Quy chuẩn cũng đưa ra nguyên tắc không hồi tố, nghĩa là công trình đã áp dụng quy chuẩn trong giai đoạn thiết kế được góp ý hoặc thẩm duyệt thì sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Các quy định về cấp nước chữa cháy như lưu lượng, áp suất, thời gian sẽ tùy thuộc vào quy mô, công năng của công trình. Quy chuẩn 06 không quy định nhà, công trình cụ thể nào phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà. Ngoài ra, Quy chuẩn cũng đã linh hoạt cho phép cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền hướng dẫn riêng nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.
"Quy chuẩn an toàn phòng cháy cho nhà và công trình ở Việt Nam hiện nay không cao, thậm chí ở mức trung bình thấp", ông Nghị nói.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hiện có 9 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy, chữa cháy; 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn được biên soạn và ban hành bởi các bộ Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ. Bộ Xây dựng không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong quản lý nhà nước hay thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về phòng cháy, chữa cháy.
Với các công trình hiện hữu, Bộ Xây dựng và Công an đang phối hợp đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất về phòng cháy chữa cháy. Phân khúc nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống không áp dụng quy chuẩn an toàn cháy. Tuy nhiên, vướng mắc xảy ra khi nhà ở riêng lẻ chuyển mục đích sử dụng khác, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước, cũng như tổ chức không gian kiến trúc. Những công trình này rất khó cải tạo để đáp ứng quy chuẩn.
"Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện. Hiện chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06 cho phù hợp thực tiễn Việt Nam", ông Nghị nói.
'Không sửa quy chuẩn phòng cháy, hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa'
Đại biểu Phạm Văn Hòa lo ngại nếu cơ quan chức năng không sớm thay đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy thì hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. "Tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy hiện nay không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, cũng chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn", đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp, nói.
Chia sẻ lo lắng này, đại biểu Mai Văn Hải (Phó đoàn Thanh Hóa) nêu thực trạng sau hơn hai năm chống Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, phá sản. Khi cơ quan chức năng tổng rà soát về phòng cháy chữa cháy, nhiều doanh nghiệp lại bị xử phạt, đình chỉ hoạt động, không thể vận hành do không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới.
"Cử tri cho rằng một số quy định phòng cháy chữa cháy không phù hợp thực tế, tiêu chuẩn quá cao. Quy định không phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy nên rất khó khăn cho doanh nghiệp, mà để khắc phục thì chi phí rất lớn", ông Hải nói.
Vì vậy, ông Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sửa đổi quy định phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Quản lý phòng cháy chữa cháy nên phân theo mức độ nguy cơ để có biện pháp phù hợp; và cần có lộ trình thay đổi quy định mới phù hợp để doanh nghiệp thực hiện.
"Phải sớm gỡ vướng để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là trong lĩnh vực du lịch, giải trí", ông Hải nói.
Phó đoàn Quảng Trị Hoàng Đức Thắng ví quy định phòng cháy, kiểm định xe cơ giới hiện nay như chiếc "vòng kim cô" ngày càng siết chặt, gây khó cho doanh nghiệp, người dân. Sau thời gian thực hiện chủ trương giảm thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp thì nay vấn đề này đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
"Quy định chặt quá mức trong bối cảnh lãi suất cho vay ở mức cao như những cú bồi khiến cho doanh nghiệp bị knock out (hạ gục)", ông Thắng nói, đề nghị Chính phủ tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phục hồi.
Đại biểu Quảng Trị cũng đề nghị Chính phủ rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng và cải cách thủ tục hành chính.
Đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh) đề nghị các cơ quan xử lý dứt điểm vướng mắc về thể chế để không gây ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Các bộ ngành cần phối hợp, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu. "Không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết gỡ khó", ông An nói.
Thực tế thời gian qua, việc người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng mua xăng, xếp hàng cả đêm để đăng kiểm ôtô, loay hoay với các quy định về phòng cháy, chữa cháy hay xếp hàng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp "cho thấy khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của bộ, ngành chưa hiệu quả".
"Chúng tôi mong rằng có những lúc cơ quan nhà nước phải tự nhận phần khó về mình để vất vả một chút nhưng xử lý được ngay vấn đề cho người dân và doanh nghiệp", đại biểu An kiến nghị.